Từ lối sống xanh đến cơ hội kinh doanh
Lối sống xanh
Thay vì đề cao tiêu dùng số lượng lớn hàng hóa của nền công nghiệp sản xuất hàng loạt như thập kỷ trước, xã hội hiện nay đã hướng đến tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ và thân thiện với môi trường hơn.
Những ảnh hưởng của xả thải bừa bãi và lạm dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần đến đời sống của các sinh vật sống (bao gồm con người) không chỉ được các tổ chức về bảo vệ môi trường mà các cá nhân cũng đã tích cực chia sẻ để các cộng đồng nhận thức được hậu quả của lối sống này và hướng đến một lối sống xanh bền vững hơn.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), sống xanh là việc đưa ra các lựa chọn bền vững về những thứ chúng ta ăn uống, mua sắm và sử dụng; về cách chúng ta di chuyển, sử dụng và loại bỏ chúng. Ví dụ điển hình gần đây nhất cho lối sống “xanh” là trào lưu #NoStrawChallenge- không sử dụng ống hút nhựa và trào lưu #ZeroWasteFashion- Thời trang không rác thải. Ngoài ra còn có một số trào lưu hay challenge của các nhóm nhỏ nhưng sức ảnh hưởng lên mỗi thành viên là rất lớn và có tính giáo dục cao, được lan truyền rộng rãi trên các kênh mạng xã hội.
Ở Việt Nam, các nhãn hiệu lớn đã bắt đầu xây dựng cho mình hình ảnh thân thiện môi trường với các chiến dịch truyền thông quy mô. Gần đây nhất Unilever đã cam kết sử dụng bao bì làm từ nhựa tái chế thân thiện với môi trường cho ba thương hiệu tiên phong Sunlight, Comfort và Love Beauty and Planet. Bên cạnh đó chuỗi sự kiện Tắt đèn, bật ý tưởng gần đây mà BOO, Lotte Mart và Tetra Pak thực hiện gần đây cũng là những sáng kiến giúp giảm thiểu rác thải (đổi quần áo cũ, thu gom hộp sữa đã qua sử dụng). Bên cạnh Lotte Mart, các thương hiệu phân phối lớn khác như Co.opmart , Big C đã bắt đầu sử dụng lá chuối thay vì túi nhựa hay túi ni lông để bọc một số mặt hàng như rau, củ, quả, thịt. Các túi bọc thực phẩm cũng đã được thay thế từ túi nil on thông thường thành túi tự phân hủy sinh học. Các nhãn hàng F&B cũng tham gia vào chiến dịch này tiên phong là Starbucks (khuyến khích khách hàng mang ly riêng đến mua đồ uống để hạn chế cốc dùng 1 lần); All Day Coffee, The Coffee House (thay thế ống hút nhựa bằng ống hút sinh học phân hủy hoàn toàn nguồn gốc tinh bột & sử dụng cốc thủy tinh đựng đồ uống tại quán)
Cơ hội của doanh nghiệp
Bởi thế mà phát triển sản phẩm xanh là một hướng đi mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng đến để đáp ứng nhu cầu không chỉ trong nước mà còn ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Châu Âu. Các sản phẩm xanh phổ biến có lợi thế cạnh tranh ở Việt Nam so với các thị trường khu vực châu Á hiện nay gồm các sản phẩm tự phân hủy sinh học dùng 1 lần, ống hút bằng tre/inox, sản phẩm vệ sinh cá nhân nguồn gốc thiên nhiên.
Thực hiện nghiên cứu thị trường cho các sản phẩm xanh
Thị trường sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều nhà cung cấp lớn mà chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khác với thời kỳ đầu khi các sản phẩm xanh nhận được quan tâm của giới trẻ là học sinh sinh viên thì hiện tại các sản phẩm này được những đối tượng có độ tuổi và thu nhập cao hơn quan tâm sử dụng nhiều hơn và đồng thời họ cũng có yêu cầu kỹ lưỡng hơn đối với sản phẩm về chất liệu, chất lượng vệ sinh. Tiếp cận các khách hàng tiềm năng khá dễ dàng bằng các quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội nhưng để tỷ lệ quan tâm cao và giảm thiểu chi phí quảng cáo thì doanh nghiệp cần có những nghiên cứu thị trường để hiểu rõ khách hàng mục tiêu của mình và chọn lựa phân khúc thị trường phù hợp cho sản phẩm của mình
Nếu có thể nắm bắt được thông tin về đối thủ cạnh tranh, phác thảo được chân dung khách hàng tiềm năng, biết được mức độ chấp nhận của thị trường với sản phẩm giá và mức độ hài lòng của khách hàng với sản phẩm của doanh nghiệp thì hoạt động xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường chắc chắn sẽ hiệu quả và dễ dàng hơn cho doanh nghiệp hơn rất nhiều. Đây chính là điều quyết định sự thành công của doanh nghiệp
Nguồn : Võ Nhi